UBND HUYỆN NAM SÁCH
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Tổng truy cập: 1,393,802 (Hôm nay: 50 online: 38) Toàn huyện: 127,643,706 (Hôm nay: 513 online: 597) Đăng nhập

NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA NHÂN VĂN CỦA TẾT NGUYÊN ĐÁN

   Tết Nguyên Đán là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống của Việt Nam, là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kì vận hành của đất trời, của vạn vật cỏ cây. Dường như trong mỗi chúng ta, ai ai cũng đều biết rằng Tết Nguyên Đán chính là một trong những kỳ nghỉ lễ lớn và quan trọng nhất của đất nước Việt Nam từ xưa đến giờ và nó luôn mang đậm nét bản sắc văn hoá dân tộc sâu sắc và độc đáo. Vậy Tết NguyêN Đán có nguồn gốc từ đâu và ý nghĩa tên gọi của nó là như thế nào?

   Tết đến xuân về không chỉ là niềm khao khát của biết bao đứa trẻ để được xúng xính quần áo mới, được ăn bánh mứt và nhất là được nhận lì xì mà nó còn mang một ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Đó là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kì vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây. Bên cạnh đó là khao khát sự trường tồn cuộc sống, sự hài hoà Thiên – Địa – Nhân, sự gắn kết trong cộng đồng, gia tộc và gia đình. Tết Nguyên Đán còn là dịp để hướng về cội nguồn. Đó là giá trị tâm linh, cũng là giá trị tình cảm sâu sắc của người Việt, trở thành truyền thống tốt đẹp.

Tết Nguyên Đán – hay còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm Lịch, Tết Cổ truyền, Tết năm mới hay chỉ đơn giản là Tết. “Tết” chính là “tiết”. Hai chữ “Nguyên Đán” có nguồn gốc chữ Hán: “nguyên” có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai và “đán” là buổi sáng sớm. Cho nên đọc đúng phiên âm phải là “ Tiết Nguyên Đán”. Tết Nguyên Đán được người Việt Nam gọi với cái tên rất thân thương “ Tết ta”, là để phân biệt với “ Tết tây” ( Tết Dương lịch).

Nhưng cũng có những thuyết cho rằng: văn hoá Việt – thuộc văn minh nông nghiệp lúa nước – do nhu cầu canh tác nông nghiệp đã phân chia thời gian trong 1 năm thành 24 tiết khác nhau và ứng với mỗi tiết này đều có một thời khắc “giao thời” trong đó tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng, chính là Tiết Nguyên Đán.

Rồi về sau, do sự phát triển vượt bậc của ngôn ngữ nên chữ “tiết” được Việt hoá thành “Tết” và hình thành nên tên gọi Tết Nguyên Đán như ngày nay. Tết Nguyên Đán được tính từ ngày nào?

Do cách tính lịch âm của người Việt Nam có khác với Trung Quốc cho nên Tết Nguyên Đán của người Việt Nam không hoàn toàn trùng với Tết của người Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng bởi văn hoá Trung Quốc khác.

Vì Âm lịch là lịch theo chu kì vận hành của mặt trăng nên Tết Nguyên Đán muộn hơn Tết Dương lịch. Do quy luật 3 năm nhuận một tháng của Âm lịch nên ngày đầu năm của dịp Tết Nguyên Đán không bao giờ trước ngày 21 tháng 1 Dương lịch và sau ngày 19 tháng 2 Dương lịch mà thường rơi vào khoảng cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 Dương lịch. Toàn bộ dịp Tết Nguyên Đán hàng năm thường kéo dài trong khoảng 7 đến 8 ngày cuối năm cũ và 7 ngày đầu năm mới ( 23 tháng Chạp đến hết ngày 7 tháng Giêng). Nguồn gốc của Tết Nguyên Đán.

Nguồn gốc của Tết vẫn còn đang được tranh cãi, nhưng hầu hết các thông tin đều cho rằng ngày Tết Nguyên Đán có nguồn gốc từ Trung Quốc và được du nhập về Việt Nam trong 1000 năm Bắc thuộc. Chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ văn hoá Trung Quốc trong hơn 1000 năm Bắc thuộc, Tết Nguyên Đán cũng là một trong những nét văn hoá được du nhập trong thời điểm đó. Theo lịch sử Trung Quốc, nguồn gốc Tết Nguyên Đán có từ đời Tam Hoàng Ngũ Đế và thay đổi theo từng thời kì. Đời Tam Vương, nhà Hạ chuộng màu đen nên chon tháng giêng, tức tháng Dần. Nhà Thương thích màu trắng nên lấy tháng Sửu, tức tháng chạp, làm tháng đầu năm. Nhà Chu ưa sắc đỏ nên chọn tháng Tý, tức tháng mười một làm tháng Tết. Các vua chúa nói trên quan niệm về ngày giờ “tạo thiên lập địa” như sau: giờ Tý thì có trời, giờ Sửu thì có đất, giờ Dần sinh loài người nên đặt ra ngày Tết khác nhau.

Đến thời Đông Chu, Khổng Tử đổi ngày Tết vào một tháng nhất định là tháng Dần. Đời nhà Tần (thế kỉ 3 TCN), Tần Thuỷ Hoàng lại đổi qua tháng Hợi, tức tháng mười. Đến thời nhà Hán, Hán Vũ Đế (140 TCN) lại đặt ngày Tết vào tháng Dần, tức tháng giêng. Từ đó về sau, không còn triều đại nào thay đổi về tháng Tết nữa. Đến đời Đông Phương Sóc, ông cho rằng ngày tạo thiên lập địa có thêm giống Gà, ngày thứ hai có thêm Chó, ngày thứ ba có thêm Lợn, ngày thứ tư sinh Dê, ngày thứ năm sinh Trâu, ngày thứ sáu sinh Ngựa, ngày thứ bảy loài người và ngày thứ tám mới sinh ra ngũ cốc. Vì thế, ngày Tết thường được kể từ ngày Mồng một cho đến hết ngày mồng Bảy.

Nhưng theo sự tích “ Bánh chưng bánh dày” thì người Việt đã ăn tết từ trước thời vua Hùng, nghĩa là trước 1000 năm Bắc thuộc.

Có thể thấy Tết ở Việt Nam đã có từ lâu, trước thời Tam Hoàng Ngũ Đế. Khổng Tử đã viết trong cuốn Kinh Lễ: “Ta không biết Tết là gì, nghe đâu đó là tên của môt ngày lễ hội lớn của bọn người Man, họ nhảy múa như điên, uống rượu và ăn chơi vào những ngày đó. Sách Giao Chỉ Chí cũng có đoạn viết “ Bọn người Giao Quận thường tập trung lại từng phường hội nhảy múa hát ca, ăn uống chơi bời trong nhiều ngày để vui mừng một mùa cấy trồng mới, không những chỉ có dân làm nông mà tất cả người nhà của Quan lang, Chúa động cũng đều tham gia lễ hội này”. Như vậy có thể nói Tết Nguyên Đán có nguồn gốc từ Việt Nam.

Tết Nguyên Đán không chỉ thể hiện sự giao cảm giữa trời đất và con người với thần linh trong quan niệm của người phương Đông. Mà thiêng liêng hơn cả đó chính là ngày đoàn viên của mọi gia đình. Mỗi khi Tết đến, dù làm bất kì nghề gì, ở bất cứ nơi đâu đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong 3 ngày Tết, được sống lại với những kỉ niệm đầy ắp yêu thương của tuổi thơ yêu dấu. “ Về quê ăn Tết”, đoa không phải là một khái niệm thông thường đi hay về, mà là một cuộc hành hương về với cội nguồn, nơi chon nhau cắt rốn. Tết Nguyên Đán với ý nghĩa sâu xa và mang tính thiêng, trang trọng là tiễn đưa năm cũ, chào đón, chúc tụng năm mới sức khoẻ con người tốt hơn, kinh tế khá hơn, hạnh phúc cá nhân – gia đình bền vững hơn và khởi đầu từ ý thức hệ nông nghiệp, sau dần toả rộng trong đời sống con người toàn xã hội, song vẫn mang ý nghĩa nhân văn tốt đẹp.

Người Việt cho rằng, Tết Nguyên Đán là cơ hội để thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, một cách sâu sắc cụ thể nhất. Giá trị hướng về cội nguồn là giá trị tâm linh, cũng là giá trị tình cảm của người Việt với Tết Nguyên Đán. Giá trị này đã trở thành nếp sống truyền thống tốt đẹp, bền vững. Người ta tin rằng vào dịp Tết Nguyên Đán, tổ tiên cũng sẽ hiện diện trên bàn thờ gia tiên, ở nhà thờ họ để chứng kiến lòng thành của con cháu, và từ đó sẽ phù hộ cho con cháu được khỏe mạnh, làm ăn ổn định và sống hạnh phúc trong tình yêu thương giữa ông bà, cha mẹ, con cháu, vợ chồng. Đó là ý nghĩa tâm linh của Tết Nguyên Đán.

Khi thắp nén hương, bày mâm cỗ cúng dâng tổ tiên trong dịp tết Nguyên Đán, người Việt mới thấy thỏa mãn và yên lòng trong cuộc sống tiếp theo khi bước vào năm mới. Tết đến người Việt chuẩn bị mọi điều kiện sống đầy đủ, có đạo đức, có truyền thống tốt đẹp. Chẳng hạn ăn phải ngon, bổ dưỡng, khác hẳn ngày thường. Mặc phải đẹp, bất kể lứa tuổi nào, bất kì giới nào: nam hay nữ, nông dân, thợ, kẻ sĩ hay chức sắc, lão bà hay lão ông.

Ai cũng thấy như phải gẫn gũi nhau hơn, nói những điều hay với ngôn ngữ chọn lọc. Chẳng hạn như Chúc mừng nhau sức khoẻ, tuổi tác (trường thọ), chúc “làm ăn bằng năm bằng mười năm ngoái”… Có phần ngoa ngôn, song vẫn êm tai và thực lòng. Cho nên, Tết đến người ta vui vẻ, dịu hiền, là cơ hội để hoà giải những bất đồng “ Giận đến chết Tết đến cũng thôi”.

Đó là giá trị đạo đức và giá trị thẩm mỹ mà người Việt Nam muốn đạt tới. Cho nên, những ngày trong dịp Tết Nguyên Đán thực sự là những ngày vui vẻ, hạnh phúc cho tất cả mọi người.

BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC
12345678910...

Phòng Giáo dục và Đào tạo Nam Sách; email: namsach@haiduong.edu.vn
Địa chỉ: 232A Trần Phú - Thị trấn Nam Sách - Huyện Nam Sách - Tỉnh Hải Dương
Trưởng phòng: Nguyễn Trọng Phan
Đăng nhập